Khái quát Con lừa của Buridan

Nghịch lý này thực ra đã có từ thời cổ đại trước thời Buridan, được tìm thấy đề cập đến trong cuốn On the Heavens của Aristoteles. Aristoteles trong khi chế nhạo ý tưởng của các Nhà ngụy biện cổ đại về việc cho rằng Trái đất đứng yên chỉ đơn giản là vì nó có hình cầu và bất kỳ lực nào tác động lên nó phải bằng nhau theo mọi hướng, đã mô tả điều này cũng nực cười ngang với việc nói rằng:[3]

... một người đàn ông, vừa đói vừa khát, và bị đặt giữa thức ăn và thức uống, nhất thiết sẽ phải ở nguyên vị trí của anh ta và chết đói.

— Aristoteles, On the Heavens 295b, c. 350 BC

Tuy nhiên, ý tưởng này đã phát triển thành một nghịch lý và sau đó đã được Học giả Ba Tư al-Ghazali đánh giá lại. Ông đã thảo luận về việc áp dụng nghịch lý này vào quá trình ra quyết định của con người, đặt câu hỏi liệu có thể đưa ra lựa chọn giữa các hướng tốt như nhau mà không có căn cứ ưu tiên hay không. al-Ghazali nêu quan điểm là khi được cung cấp hai lựa chọn tốt như nhau, ý chí tự do có thể phá vỡ sự bế tắc đó, trong tác phẩm của mình The Incoherence of the Philosophers:[5]

Giả sử có hai quả chà là giống nhau trước mặt một người đàn ông, người có khao khát mãnh liệt nhưng không thể chiếm lấy cả hai. Chắc chắn anh ta sẽ chọn lấy một trong số đó, thông qua một phẩm chất trong anh ta, bản chất của nó là phân biệt giữa hai thứ giống nhau.

Sau đó, Jean Buridan khám phá nghịch lý này sâu hơn, mặc dù ông chưa bao giờ đề cập đến hình tượng con lừa trong các bài viết của mình, nhưng đề cập đến một chủ đề tương tự nhằm bảo vệ quan điểm của thuyết tất định đạo đức, cho rằng một con người khi phải đối mặt với các hành động lựa chọn thay thế phải luôn chọn điều tốt đẹp hơn. Trước những lựa chọn thay thế tốt như nhau, Buridan tin rằng không thể đưa ra một lựa chọn hợp lý:

Nếu hai phương án được đánh giá ngang nhau, thì ý chí không thể phá vỡ thế bế tắc, tất cả những gì nó có thể làm là đình chỉ phán xét cho đến khi hoàn cảnh thay đổi, và hành động đúng đắn rõ ràng.

— Jean Buridan, c. 1340

Zbigniew Lipowski, một nhà tâm lý học Ba Lan, đã kết hợp ý tưởng về con lừa của Buridan và tóm tắt lý thuyết của mình trong bài báo mà ông đăng trên Tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ (The American Journal of Psychiatry) năm 1970. Ông đề cập rằng ý chí tự do đôi khi có thể dẫn đến việc không hành động: khi không thể lựa chọn do không chắc chắn và cũng có thể do quá nhiều lựa chọn. Ông gọi đó là xung đột về phương pháp tiếp cận: đối mặt với các lựa chọn hấp dẫn, bạn thấy mình không thể quyết định nhanh chóng với bất kỳ lựa chọn nào trong số chúng. Và ngay cả khi bạn đã chọn, bạn vẫn lo lắng về những cơ hội mà bạn có thể đã đánh mất: nhỡ đâu đống cỏ khô kia có vị ngọt hơn.[6]

Nghịch lý này sau này đã trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng, châm biếm sử dụng hình tượng con lừa của Buridan, đối mặt với cả thức ăn và nước uống, vẫn phải chết vì đói và khát khi đang cân nhắc quyết định.

Nguyên lý của Buridan

Tình huống giả định của Buridan đã được phân tích lại dựa trên cơ sở toán học trong một bài báo năm 1984 của nhà khoa học máy tính người Mỹ Leslie Lamport.[7] Lamport lập luận rằng, với những giả định nhất định về tính liên tục trong một mô hình toán học đơn giản trên bài toán giả định của Buridan, luôn sẽ có một số điều kiện bắt đầu mà con lừa sẽ chết đói, bất kể nó sử dụng chiến lược lựa chọn gì. Ông minh họa thêm nghịch lý với ví dụ về một người lái xe dừng lại ở đường giao với đường sắt, cố gắng quyết định xem liệu anh ta có thời gian để băng qua trước khi tàu đến hay không. Ông chứng minh rằng bất kể chính sách "an toàn" mà người lái xe áp dụng, do sự thiếu quyết đoán có thể gây ra sự chậm trễ vô thời hạn trong hành động, có một tỷ lệ nhỏ người lái xe sẽ bị tàu đâm. Lamport gọi kết quả này là "nguyên lý của Buridan" (Buridan's principle):[7]

Không thể đưa ra quyết định rời rạc dựa trên đầu vào có dải giá trị liên tục trong một khoảng thời gian giới hạn.

Ông chỉ ra rằng chỉ vì chúng ta không nhìn thấy những con lừa hoặc những người chết đói do thiếu quyết đoán, hoặc các ví dụ khác về trạng thái chưa quyết định của Buridan trong cuộc sống thực, không có nghĩa là nguyên lý này bị bác bỏ. Sự tồn tại của trạng thái chưa quyết định của Buridan trong một khoảng thời gian có thể cảm nhận được đủ chắc chắn mặc dù có thể không được quan sát thấy.